Giỏ hàng

Phân tích SWOT là gì | Hướng dẫn chi tiết từ A-Z

Nội dung bài viết

    Phân tích SWOT là một trong 5 bước tạo thành chiến lược sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp dựa trên việc đánh giá các điểm mạnh – yếu và nhận diện các cơ hội – thách thức. Vậy SWOT là gì? Thực hiện phân tích SWOT như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.

    1. Phân tích SWOT là gì?

    Phân tích SWOT là một khuôn khổ được sử dụng để đánh giá vị thế cạnh tranh của một công ty, nhằm mục đích phát triển kế hoạch chiến lược dựa trên bốn yếu tố bao gồm:

    • Strengths (Điểm mạnh);

    • Weaknesses (Điểm yếu);

    • Opportunities (Cơ hội);

    • Threats (Thách thức).

    Phân tích SWOT đánh giá các yếu tố bên trong và bên ngoài, cũng như thách thức hiện tại và tiềm năng trong tương lai. Phân tích SWOT cung cấp cho doanh nghiệp có một cái nhìn thực tế về nội tại bên trong mình, dựa trên dữ liệu về điểm mạnh và điểm yếu của một tổ chức. Doanh nghiệp cần giữ cho phân tích có độ chính xác cao bằng cách tránh những niềm tin hoặc vùng xám đã hình thành trước và thay vào đó tập trung vào bối cảnh thực tế.

    phan-tich-swot

     

    Hướng dẫn thực hiện phân tích SWOT từ A-Z

    Xem thêm: Tại sao doanh nghiệp cần phải áp dụng ISO 9001:2015

    2. Cách thực hiện phân tích SWOT

    Phân tích SWOT là một kỹ thuật để đánh giá hiệu quả hoạt động, cạnh tranh, rủi ro và tiềm năng của một doanh nghiệp, cũng như một phần của doanh nghiệp như dòng sản phẩm hoặc bộ phận, một ngành.

    Khi thực hiện phân tích SWOT, người đảm nhiệm cần sử dụng dữ liệu bên trong và bên ngoài, kỹ thuật này sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp hướng tới các chiến lược có nhiều khả năng thành công hơn và tránh xa những chiến lược mà họ đã từng hoặc có khả năng kém thành công hơn. Để bắt đầu với phân tích SWOT, người thực hiện cần vẽ một hình vuông, chia thành 4 góc phần tư. Tại mỗi góc sẽ là một thành phần của SWOT (như hình vẽ dưới):

    cach-thuc-hien-phan-tich-swot

     

    Hình ảnh trực quan của phân tích SWOT

    Xem thêm: Khóa đào tạo 7 công cụ quản lý chất lượng

    2.1. Điểm mạnh

    Điểm mạnh mô tả những điểm vượt trội của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh như sở hữu thương hiệu mạnh, có tệp lớn khách hàng trung thành, có công nghệ tiên tiến,…

    Để xác định điểm mạnh mà doanh nghiệp đang có, người phân tích cần trả lời các câu hỏi:

    • Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là gì?

    • Doanh nghiệp đang sở hữu những nguồn lực nào?

    • Những sản phẩm nào đang có kết quả kinh doanh tốt?

    • Tại sao khách hàng lại bị thu hút bởi thương hiệu của doanh nghiệp?

    • Doanh nghiệp đang mang lại những giá trị gì cho khách hàng?

    Sau khi trả lời được những câu hỏi này, người phân tích cần quay ngược lại và đặt câu hỏi rằng đối thủ cạnh tranh có thể coi điểm mạnh của doanh nghiệp là gì?

    Người phân tích cũng cần lưu ý rằng, bất kỳ khía cạnh nào trong doanh nghiệp chỉ là thế mạnh nếu nó mang lại một giá trị rõ ràng. Ví dụ tất cả các đối thủ cạnh tranh đều cung sản phẩm chất lượng thì đây là không nên được xác định là một điểm mạnh của doanh nghiệp trên thị trường.

    2.2. Điểm yếu

    Điểm yếu mô tả những điểm mà doanh nghiệp cần cải thiện bên trong tổ chức của mình ví dụ như: sản phẩm chưa tốt, hệ thống phân phối còn trồng chéo,…

    Để có thể xác định điểm yếu, người phân tích cần trả lời những câu hỏi sau:

    • Doanh nghiệp cần cải thiện ở đâu?

    • Những sản phẩm nào đang có hiệu quả kinh doanh không tốt?

    • Doanh nghiệp đang thiếu hụt những nguồn lực nào?

    • Quy trình kinh doanh nào cần phải cải tiến?

    • Giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho khách hàng đã đủ tốt chưa?

    Cũng giống như xác định điểm mạnh, khi nhận diện những điểm yếu của doanh nghiệp, người phân tích cũng cần nghĩ về đối thủ cạnh tranh đang nhìn nhận tổ chức của mình như thế nào. Họ đang nhìn thấy những điểm yếu nào mà doanh nghiệp lại chưa nhận diện được? Bên cạnh đó, cũng cần dành thời gian xem xét cách thức và lý do tại sao đối thủ lại làm tốt hơn doanh nghiệp.

    Việc xác định điểm yếu cần sự độc lập, trung thực từ người phân tích để nhận diện rõ ràng và khách quan về các điểm yếu của doanh nghiệp.

    2.3. Cơ hội

    Cơ hội đề cập đến các yếu tố bên ngoài mang lại những thuận lợi về cạnh tranh cho doanh nghiệp ví dụ như Nhà nước cắt giảm thuế, nhu cầu về một sản phẩm tăng,…

    Để xác định các cơ hội đối với doanh nghiệp, người phân tích cần trả lời những câu hỏi:

    • Thị trường mà doanh nghiệp nhắm đến có đang phát triển không và có những xu hướng nào khuyến khích khách hàng mua nhiều sản phẩm của doanh nghiệp không?

    • Có những biến động nào sắp tới mà doanh nghiệp có thể tận dụng để phát triển kinh doanh không?

    • Sự thay đổi các quy định, chính sách nào từ Nhà nước có thể tác động tích cực đến doanh nghiệp?

    • Khách hàng có đang đánh giá cao về doanh nghiệp không?

    Người phân tích cần nhận diện đâu là những cơ hội tốt nhất mà có thể khai thác ngay lập tức. Không nhất thiết phải tìm kiếm những cơ hội lớn, giúp doanh nghiệp thay đổi cuộc chơi. Vì những cơ hội nhỏ cũng tạo ra những lợi thế làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

    2.4. Thách thức

    Thách thức đề cập đến như yếu tố sẽ ảnh hưởng không tốt tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ví dụ như chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, áp lực cạnh tranh,…

    Để xác định thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt, người phân tích cần trả lời các câu hỏi:

    • Những đối thủ cạnh tranh tiềm năng nào có thể tham gia vào thị trường mục tiêu của doanh nghiệp trong thời gian tới?

    • Các nhà cung cấp có thể có những thay đổi về lượng cung và giá nào không?

    • Sự phát triển của công nghệ có thể thay đổi quy trình kinh doanh của doanh nghiệp không?

    • Hành vi của người tiêu dùng có đang thay đổi theo hướng tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh không?

    • Có xu hướng thị trường nào tác động tiêu cực tới doanh nghiệp không?

    Việc trả lời những câu hỏi trên giúp nhà phân tích hình dung được những thách thức mà doanh nghiệp sẽ gặp phải. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý khi xem xét đối thủ cạnh tranh, về những điều mà họ đang làm. Người phân tích cần đánh giá liệu doanh nghiệp có cần thay đổi để đáp ứng những thách thức đó hay không? Cần thay đổi những điểm nào. Ngoài ra, cũng cần tránh sao chép những gì mà đối thủ đang làm vì có thể những điều đó sẽ không phù hợp với doanh nghiệp.

    Hãy cảnh giác với những mối nguy đặc biệt mà doanh nghiệp có thể đối mặt ví dụ như các khoản nợ xấu, các vấn đề về dòng tiền. Đây là những mối đe dọa có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Vì vậy, người phân tích cần xem xét kỹ lượng tất cả các mối nguy này.

    3. Ưu và nhược điểm của mô hình SWOT

    3.1. Ưu điểm

    Ưu điểm của phân tích SWOT có thể kể đến bao gồm:

    Không tốn chi phí: SWOT là phương pháp phân tích tình hình kinh doanh hoặc bất kỳ dự án nào do doanh nghiệp thực hiện. Phương pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đây là 2 lợi thế lớn nhất của phân tích SWOT.

    Kết quả quan trọng: SWOT sẽ đánh giá được 4 phương diện điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để doanh nghiệp rút ra được kết quả chính xác giúp hoàn thiện dự án, vượt qua rủi ro.

    Ý tưởng mới: Mô hình SWOT có thể cung cấp các ý tưởng mới cho doanh nghiệp bằng các phân tích trong 4 mục cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu của SWOT. Mô hình không chỉ cho Doanh nghiệp biết lợi thế, bất lợi mà cả những mối đe dọa để giúp Doanh nghiệp đối phó hiệu quả hơn trong tương lai, có những kế hoạch tránh các rủi ro tốt nhất.

    3.2. Nhược điểm

    Nhược điểm của phân tích SWOT có thể kể đến bao gồm:

    Kết quả chưa chuyên sâu: Chính vì việc phân tích SWOT khá đơn giản, nên kết quả nhận về chưa thực sự phản ánh đúng các khía cạnh. Kết quả không đưa ra phản biện, chỉ tập trung vào việc chuẩn bị dự án, điều đó không đủ để hoàn thiện đánh giá và đưa ra định hướng, mục tiêu.

    Cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn: Để thực sự đạt kết quả tốt thì việc phân tích SWOT cơ bản là không đủ, vì kỹ thuật SWOT chỉ tập trung nghiên cứu và phân tích bức tranh toàn cảnh.

    Phân tích chủ quan: Một phân tích đầy đủ là phân tích đánh giá được ảnh hưởng đến hiệu suất của công ty, dữ liệu đáng tin cậy, có liên quan và có thể so sánh được, từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh.

    Tuy nhiên, SWOT không làm được điều này, việc phân tích SWOT chưa đủ để đưa ra kết luận hay quyết định nào. Tất cả dữ liệu có được chỉ là phản ánh thiên vị của những các nhân thực hiện nghiên cứu, phân tích. Ngoài ra, dữ liệu dùng để phân tích SWOT chưa thực sự đúng, có thể lỗi thời nhanh chóng.

    uu-nhuoc-diem-cua-phan-tich-swot

    Ưu và nhược điểm của phân tích SWOT

    Kết luận 

    Một doanh nghiệp có thể sử dụng SWOT nhằm hoạch định các chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing và bán hàng dựa trên bốn yếu tố điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. SWOT là một công cụ lập kế hoạch hữu ích với những ưu điểm như không tốn chi phí, đưa ra những kết quả quan trọng và giúp doanh nghiệp phát triển những ý tưởng mới. Bên cạnh đó, mô hình này cũng có những hạn chế có thể kể đến như kết quả đưa ra chưa chuyên sâu, cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn và đôi khi có sự chủ quan trong phân tích.

    Trên đây là một số thông tin liên quan đến “Phân tích SWOT” mà doanh nghiệp nên biết. Mọi thông tin cần tư vấn về đào tạo hoặc các dịch vụ khác của Viện đào tạo Vinacontrol, Quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi qua Hotline miễn cước 093.620.7981 hoặc email Viendaotaovinacontrol@gmail.com để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết và miễn phí!

    Nhận tư vấn miễn phí từ chuyên gia

    Với sự chuyên nghiệp và am hiểu của mình, Viện Vinacontrol tự tin đồng hành cùng khách hàng và đối tác cùng nhau phát triển bền vững. Hãy để lại thông tin của bạn để chuyên viên của chúng tôi có thể liên hệ hỗ trợ tư vấn khóa học tốt nhất!
    1800.6083